15:59 18/12/2023 Lượt xem: 50
Quả cà chua Red Robin, kích thước khoảng 2,5 cm, được hái trong vụ thu hoạch cuối cùng của thí nghiệm Veg-05. Thí nghiệm được tiến hành để tìm hiểu tác động của chuyến bay vũ trụ đến sự phát triển của cây ăn quả.
Sau vụ thu hoạch vào ngày 29/3, mỗi phi hành gia nhận được một mẫu cà chua trong túi nilon và được yêu cầu đánh giá hương vị, kết cấu, độ mọng nước của sản phẩm được trồng trong các điều kiện ánh sáng khác nhau.
Tuy nhiên, phi hành gia người Mỹ Frank Rubio - người tham gia thí nghiệm Veg-05 - cho biết quả cà chua của anh đã biến mất trước khi kịp ăn, khiến các phi hành gia khác không khỏi “hoài nghi”.
Trong một sự kiện được phát trực tiếp vào tuần trước nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ISS, phi hành gia NASA Jasmin Moghbeli cho biết: “Người bạn tốt của chúng tôi - Frank Rubio, hiện đang ở Trái đất - đã bị đổ lỗi về sự biến mất của trái cà chua. Nhưng anh ấy đã có thể được xóa tội. Chúng tôi đã tìm thấy quả cà chua đó.”
Jasmin Moghbeli không tiết lộ quả cà chua nhỏ bé này nằm ở đâu trên trạm vũ trụ khổng lồ hoặc nó được tìm thấy trong tình trạng nào.
“Kỳ án” quả cà chua, vốn đã trở thành một giai thoại thú vị giữa các thành viên phi hành đoàn ISS, ban đầu được công bố bởi Rubio vào tháng 9 trong một sự kiện mà anh tổ chức trên không gian. Sự kiện này đánh dấu một năm trên quỹ đạo của phi hành gia người Mỹ.
Rubio nói vào thời điểm đó: “Tôi đã dành rất nhiều giờ để tìm kiếm quả cà chua, khoảng 18 đến 20 tiếng, nhưng không thấy. Tôi chắc chắn rằng quả cà chua héo khô sẽ xuất hiện vào một thời điểm nào đó và minh oan cho tôi trong nhiều năm tới.”
Francisco ‘Frank’ Rubio, một trung tá trong Quân đội Mỹ, đã vô tình lập kỷ lục về chuyến bay vũ trụ dài nhất của phi hành gia Mỹ. Anh đã dành 371 ngày trên quỹ đạo sau khi tàu vũ trụ Soyuz của Nga bị rò rỉ vào tháng 12/2022 .
Rubio và các phi hành gia người Nga Sergey Prokopyev, Dmitri Petelin đã quay lại Trái đất an toàn vào ngày 27/9 trên một chiếc tàu vũ trụ thay thế, sáu tháng sau ngày đáng lẽ họ phải trở về.