15:27 18/12/2023 Lượt xem: 58
Với chiếc xe máy phân khối lớn, ngoài những giờ đi làm, Mai Hữu Nghĩa (kỹ sư) sẽ đi chơi lòng vòng, vừa thăm thú cảnh sắc nước Nhật, vừa ghi lại những câu chuyện thường ngày làm kỷ niệm. Gần đây, khi đang đi bảo dưỡng xe máy ở thành phố Toyama, anh chàng tìm thấy một chiếc ví màu đen khá dày rơi dưới đất.
Nghĩa nhặt lên xem thử, thấy bên trong có một số tiền mặt cùng rất nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng, từ thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm cho đến bằng lái xe. Bằng lái xe ở Nhật luôn ghi thông tin nơi cư trú. Thấy địa chỉ cách chỗ mình đứng khoảng 5km, Nghĩa không nghĩ nhiều mà quyết định đi xe đến tận nhà trả cho người bị mất.
Anh chàng tìm địa chỉ nhà chủ nhân chiếc ví trên google map rồi đến tận nơi. Tuy nhiên, trong khu đó có vài nhà sát nhau, anh chàng hơi bối rối một chút trong việc xác định địa chỉ. Hỏi thăm một người lớn tuổi đang làm cỏ trước cửa nhà, Nghĩa mới biết mình đã tìm đúng chỗ.
Sau khi kiểm tra giấy tờ, người đàn ông xác nhận đó là ví của con trai mình đánh rơi. Ông xúc động, liên tục chắp tay, cúi người cảm ơn, rồi cất ví vào túi. Sau đó, ông chú người Nhật lấy tiền trong một chiếc ví khác ra tặng cho Nghĩa, coi như món quà cảm ơn. Sau một hồi từ chối nhưng ông chú vẫn năn nỉ dúi vào tay, Nghĩa đã nhận món tiền nhỏ này.
Trong cuộc trò chuyện, người đàn ông Nhật đoán Nghĩa là người nước ngoài, hỏi dò: "Cháu là người Hàn Quốc à?". Đương nhiên, anh chàng không bỏ lỡ cơ hội để khoe rằng mình là người Việt Nam.
Ông chú người Nhật tỏ ra rất xúc động, bịn rịn mãi, đứng nghiêm rồi lại cúi đầu 90 độ để tạm biệt Nghĩa. Khi anh chàng chuẩn bị phóng xe đi, ông lại chạy ra hỏi tên và địa chỉ. (Nhiều người Nhật sau khi được giúp đỡ, ngoài việc tặng quà, cho tiền ngay lúc đó còn gửi quà cảm ơn về sau - PV). Nghĩa nói tên nhưng không tiết lộ địa chỉ, vì không muốn nhận thêm quà.
Bất ngờ nhất, sau khi tạm biệt lần nữa để ra về, Nghĩa đã được hỏi một câu "nhạy cảm": "Cháu không gửi tiền về nhà à?". Câu này có ẩn ý là, sao khi trả lại ví, Nghĩa lại trả lại toàn bộ tiền bên trong mà không giữ lấy tiền cho bản thân hoặc gửi về quê cho gia đình. Đáp lại, anh chàng đã có câu trả lời thể hiện EQ cao ngút: "Có chứ ạ, nhưng phải là tiền tự mình làm ra mới gửi về được chú ơi!"
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, Mai Hữu Nghĩa cho hay: "Chú ấy cho mình 2.000 yen, đổi ra tiền Việt là khoảng hơn 300.000 đồng. Trong ví của con chú ấy có khoảng 10 triệu đồng, quan trọng hơn là rất nhiều giấy tờ.
Ở Nhật, tiền có thể kiếm lại dễ nhưng giấy tờ làm lại rất vất vả, tốn thời gian. Mình nghĩ người bị mất ví có lẽ rất sốt ruột, lo lắng nên tìm cách trả nhanh nhất cho họ. Đó cũng là cách mình muốn lan tỏa thêm một hình ảnh tốt đẹp của người Việt ở nước ngoài.
Cũng có bạn nói rằng mình đang làm không đúng quy trình, phải giao nộp ví cho cảnh sát. Cảnh sát sẽ liên hệ người mất ví, gọi lên xác nhận, người ta có thể cho mình vài sen (khoảng 1 triệu đồng) nhưng điều đó có thể mất thời gian. Mình là người miền Tây, thú thực là không suy tính nhiều, thấy việc tốt thì làm, chỉ nghĩ việc mình làm có thể cho người khác niềm vui và mình cảm thấy vui là được".
Anh chàng chia sẻ, việc đăng tải clip quay cuộc gặp gỡ là để làm kỷ niệm, và cũng vì Nghĩa muốn lan tỏa việc tốt nho nhỏ vậy thôi. "Một người làm ít người biết, nhưng đăng lên mạng xã hội mà được nhiều người hoan nghênh, sau này gặp trường hợp tương tự có thể họ cũng sẽ làm vậy. Đó là cách chúng ta cùng nhau làm nên xã hội tốt đẹp chứ không phải cứ nghĩ cho bản thân mình là làm vậy có bị rắc rối gì không".
Chàng kỹ sư sinh năm 1991 tiết lộ, trước đây anh tốt nghiệp Đại học Cần Thơ ngành cơ khí. Anh sang Nhật Bản làm việc từ năm 2016 dưới diện kỹ sư và làm công việc vận hành cơ khí máy CNC tại một công ty ở địa phương. Dự định của Nghĩa là sẽ sống và làm việc ở Nhật khoảng 10 năm, dành thời gian khám phá Nhật Bản trước khi về Việt Nam lập nghiệp.