23:24 03/02/2024 Lượt xem: 38
Vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, Steve Jobs đứng trên sân khấu của sự kiện Macworld Expo New York và tuyên bố về một video game sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp trò chơi và đưa Apple trở thành một gã khổng lồ trong ngành này.
Một nửa lời hứa đó hóa ra là sự thật. Tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất mà Jobs tiết lộ đã làm thay đổi lịch sử ngành công nghiệp game - nhưng không phải đối với Apple. Thay vào đó, Microsoft đã mua lại nhà phát triển trò chơi một năm sau đó, giành lấy tựa game cho sự ra mắt của Xbox đầu tiên vào năm 2001.
Trailer đầu tiên của huyền thoại FPS Halo được giới thiệu trong sự kiện Mac
Trò chơi mà Microsoft “đánh cắp” từ Jobs và Apple có tên Halo: Combat Evolved, và nhà phát triển là Bungie, studio game tiên phong cho Mac. Phần còn lại của dòng game này kể từ đó gắn liền với Microsoft và Apple gần như rút lui khỏi ngành game máy tính.
Việc “chịu thua” trong lĩnh vực chơi game trong nhiều thập kỷ không phải là điều Apple muốn chấp nhận. Đó chắc chắn là một điều thất vọng đối với người dùng Mac cả mới và cũ, những người phải mua một PC Windows hoặc console riêng để chơi các game AAA. Nhưng vào năm 2023, làn gió đổi chiều đã đến.
Với phần cứng tự thiết kế, Mac cuối cùng có thể sánh ngang với một số PC tốt nhất, những cải tiến hàng năm đối với chip tự thiết kế của Apple giúp đẩy hiệu suất ngày càng cao hơn cũng như tối ưu hóa phần mềm tập trung vào game hơn. Apple rõ ràng không muốn lặp lại lịch sử nữa.
Gordon Keppel, giám đốc tiếp thị sản phẩm Mac, cho biết trong cuộc trò chuyện với trang Inverse: “Chúng tôi có các tính năng dành riêng cho máy Mac mà bạn không tìm thấy trên mọi hệ thống khác, như màn hình, hay hệ thống loa của chúng tôi. Vì vậy, khi tôi ngồi trước một hệ thống hoạt động hiệu quả, nó trông rất tuyệt, âm thanh tuyệt vời và không quá nóng — đó là một trải nghiệm chơi game tuyệt vời!”
Phần cứng không còn là một khiếm khuyết
Mối quan hệ của Apple và việc chơi game trên máy tính đã diễn ra từ năm 1984.
Đó là năm chiếc Macintosh đầu tiên ra mắt và là lần đầu tiên máy tính cá nhân để bàn được trang bị sẵn chuột để điều khiển giao diện đồ họa người dùng mang tính cách mạng. Steve Jobs không phát minh ra chuột (là Douglas Engelbart) và Apple không phải là công ty đầu tiên kết hợp chuột với máy tính cá nhân (Xerox). Nhưng Macintosh là cỗ máy khiến chuột trở thành xu hướng chủ đạo và không thể tách rời khỏi máy tính để bàn và game.
Video game lúc đó cũng không phải là mới. Tuy nhiên, con chuột đã tạo ra một cách mới để điều khiển chúng. Lúc đầu, trò chơi chỉ giới hạn ở việc trỏ và nhấp chuột. Nhưng cuối cùng, khả năng xoay chuyển góc nhìn với hỗ trợ chuột đã được phát minh cho các máy Mac (và PC sau này). Nếu không có Macintosh và việc đưa chuột vào máy tính cá nhân, các trò chơi máy tính hiện đại — nơi bạn thường điều khiển góc nhìn trong trò chơi bằng chuột — có thể không tồn tại như chúng ta biết. Bungie sẽ không tạo ra Marathon, tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất đầu tiên hỗ trợ chế độ xoay góc nhìn bằng chuột và sẽ không bao giờ có cơ hội chấp nhận tấm séc khổng lồ mà Bill Gates chi trả cho Halo.
Game PC hiện đại - điều khiển bằng cả bàn phím và chuột - được liên kết chặt chẽ với máy Mac. Tuy nhiên, thực tế là mặc dù bạn có thể truy nguồn gốc của video game máy tính hiện đại bắt nguồn từ máy Mac, nhưng các nhà phát triển game đã bị phần cứng Mac cản trở rất nhiều trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Máy tính của Apple đơn giản là không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà phát triển về việc tạo ra các trò chơi 3D tiên tiến và chi tiết hơn. Sẽ hợp lý hơn khi phát triển trò chơi cho PC có CPU Intel, vốn đang tăng hiệu suất nhanh chóng qua từng năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, Apple lại có mối quan tâm đặc biệt đến việc chơi game trên Mac, điều mà hãng này đã không thể hiện trong 25 năm qua.
“Silicon của Apple đã thay đổi tất cả những điều đó, ” Keppel cho biết. “Giờ đây, mọi máy Mac đi kèm Apple silicon đều có thể chơi các trò chơi AAA một cách khá tuyệt vời. Apple silicon đã biến đổi các hệ thống chủ lực của chúng tôi, giúp nâng cao đáng kể về đồ họa với M1, M2 và bây giờ là M3.”
Leland Martin, giám đốc tiếp thị phần mềm của Apple, cho biết: “ Nếu bạn nhìn vào dòng máy Mac chỉ vài năm trước, đó là dòng sản phẩm trộn lẫn giữa cả GPU tích hợp và GPU rời. Điều đó có thể làm tăng thêm sự phức tạp khi bạn phát triển trò chơi. Bởi vì bạn có nhiều phần cứng khác nhau cần xem xét. Ngày nay, chúng tôi đã loại bỏ hoàn toàn điều đó một cách hiệu quả bằng silicon của Apple, tạo ra một nền tảng chơi game thống nhất hiện có trên iPhone, iPad và Mac. Sau khi trò chơi được thiết kế cho một nền tảng, việc đưa trò chơi đó sang hai nền tảng còn lại là một quá trình đơn giản. Chúng ta thấy điều này diễn ra với các trò chơi như Resident Evil Village ra mắt đầu tiên [trên Mac], sau đó là iPhone và iPad.”
Cách tiếp cận nền tảng phần cứng thống nhất này tương tự như những gì trên console như PlayStation 5 hoặc Xbox Series S/X.
“Chơi game về cơ bản là một phần nền móng trong thiết kế silicon của Apple,” Doug Brooks, cũng thuộc nhóm tiếp thị sản phẩm Mac, cho biết. “Trước khi có một con chip, việc chơi game về cơ bản đã được kết hợp trong các giai đoạn lập kế hoạch ban đầu và sau đó là trong suốt quá trình phát triển.”
Khi Apple công bố chip M3 tại sự kiện “Scary Fast” vào tháng 10, họ đã giới thiệu một số tính năng phần cứng đáng chú ý như ray tracing hay mesh shading được tăng tốc phần cứng, giúp trò chơi trông thực tế hơn với ánh sáng thời gian thực và các mô hình có đa giác và kết cấu chi tiết hơn. Nhưng tính năng mà ít người nhắc đến và cũng là tính năng có thể khiến trò chơi trên máy Mac chạy M3 và máy tính Apple trong tương lai thực sự tỏa sáng, đó là Dynamic Caching.
Dynamic Caching là một cách để cung cấp lượng bộ nhớ chính xác cho GPU, mà Brooks nói rằng mang đến “hiệu suất nâng cao” tổng thể trong trò chơi. Trong khi kiến trúc GPU truyền thống cần ước tính một lượng bộ nhớ nhất định - thường là nhiều hơn mức cần thiết - thì Brooks cho biết Dynamic Caching cho phép chip M3 phân bổ bộ nhớ hiệu quả hơn cho các tác vụ khác.
Giống như console, Brooks nói rằng tất cả đều phục vụ cho trải nghiệm mà người dùng có được khi họ bắt đầu trò chơi. Theo nhiều người trải nghiệm, những game 3D như Lies of P và Resident Evil 4 chạy tốt trên pin của MacBook Pro giống như khi cắm nguồn; điều tương tự không thể xảy ra đối với những chiếc gaming laptop thường bị giảm hiệu suất đáng kể do pin.
Và mặc dù người dùng Mac có thể tùy ý cài đặt trò chơi theo ý muốn giống như trên PC, nhưng họ cũng có thể chơi mà không cần suy nghĩ nhiều về những điều này. Điều tuyệt vời nhất là các nhà phát triển không cần phải thực hiện thêm bất kỳ công việc nào để có được những lợi ích của Dynamic Caching vì nó được tích hợp ngay trong silicon.
Và mặc dù bộ nhớ hợp nhất của Apple không phải là mới – nó đã là một phần cốt lõi của silicon Apple kể từ chip M1 – Keppel cũng cho biết đó là “nền tảng” để chơi game trên Mac. “ Khả năng GPU và CPU hoạt động trên cùng một nhóm bộ nhớ mà không cần phải sao chép dữ liệu, không cần phải tạo thêm độ trễ, đó là một tính năng lớn, rất lớn. Điều đó tạo nên sự khác biệt rất lớn so với PC.”
macOS thân thiện với game hơn
Phần cứng Mac không phải là lĩnh vực duy nhất Apple cải tiến để giúp việc chơi game trên máy tính của họ trở nên hấp dẫn hơn. Công ty đã đưa ra hai thông báo quan trọng tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), đã giúp thúc đẩy tham vọng game của mình đi đúng hướng.
Đầu tiên là bộ Game Porting Toolkit, một bộ chuyển đổi cho phép các nhà phát triển dễ dàng cài đặt và chạy các trò chơi Windows của họ trên máy Mac mà không cần phải viết lại bất kỳ mã nào. Mặc dù các nhà phát triển không thể chỉ sử dụng Game Porting Toolkit để lập tức chuyển trò chơi của họ sang máy Mac, chúng vẫn cần được tối ưu hóa, nhưng nó giúp đơn giản hóa và tăng tốc thời gian phát triển. Công cụ này về lý thuyết sẽ giúp mang mọi trò chơi lên Mac, dù nó chạy bất cứ engine gì, Unity hay Unreal.
Phần mềm quan trọng khác được công bố tại WWDC - hiện có sẵn trong macOS Sonoma - là chế độ Game Mode. Khi trò chơi được mở rộng ra toàn màn hình, Game Mode sẽ tự động tối ưu hóa CPU và GPU, ưu tiên hiệu năng cho trò chơi. Apple cũng cho biết Game Mode cũng giúp giảm độ trễ đối với các thiết bị Bluetooth.
Chức năng của Game Mode có thể hơi hạn chế so với các chế độ tương tự trên PC Windows và thậm chí một số điện thoại và máy tính bảng, nhưng đó là một khởi đầu tốt cho thấy Apple đang quan tâm đến trải nghiệm game, không chỉ là cung cấp một con chip.
Thành, bại nhờ thư viện game
Sau cùng thì người tiêu dùng không quan tâm đến bất kỳ thay đổi nào ở “hậu trường”. Họ chỉ quan tâm liệu game họ muốn chơi có sẵn trên nền tảng mà họ lựa chọn hay không.
Apple đang đặt cược rằng việc mở rộng thư viện game trên Mac là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Phần cứng đủ mạnh, cung cấp cho các nhà phát triển những công cụ cần thiết để đưa game lên Mac, việc tối ưu hóa phần mềm trong macOS đang diễn ra, thậm chí còn có khả năng chơi trên nhiều thiết bị Apple. Dường như tất cả các bánh răng cần thiết để dịch chuyển thế giới game đã nằm trong tay Apple.
Apple hy vọng rằng một khi lượng máy Mac với chip Apple silicon (và các thiết bị iOS có cùng kiến trúc) đủ lớn, các nhà xuất bản sẽ không thể nhắm mắt làm ngơ và để tiền bay đi.
Một trò chơi có thể mang lại cho Apple thành tựu cực lớn là GTA VI. Tựa game dự kiến phát hành trên PS5 và Xbox Series S/X vào năm 2025. Giả sử phiên bản PC sẽ ra mắt trong khoảng 1,5 đến 2 năm sau, giống như đã làm với GTA V, hy vọng rằng phiên bản Mac sẽ phát hành đồng thời (hoặc ngay sau đó) vào khoảng năm 2027. Hơn một thập kỷ sau khi phát hành, GTA V vẫn chưa có cho macOS.
Nếu vào cuối những năm 2020, GTA VI vẫn không có trên Mac, thì đó sẽ là điều vô cùng bất ổn.
Không có gì đảm bảo rằng những nỗ lực của Apple sẽ mang lại trái ngọt, chúng ta không thể nhìn trước được tương lai. Việc máy Mac trở thành “thiên đường gaming” có thể xảy ra vào năm tới, hay có thể mất 5 năm, 10 năm hoặc hơn, hoặc không bao giờ xảy ra. Ít nhất, chúng ta đã biết Apple đang cố gắng thâm nhập vào lĩnh vực game, họ sẽ làm những gì mình làm tốt nhất: tiếp tục lặp lại và tiếp tục cải thiện, chậm và ổn định.